Nhiều người trong chúng ta đã nghe đến quen tai về tháng cô hồn, nhưng có lẽ ít ai có thể giải thích cặn kẽ được tháng cô hồn là gì, ngày xá tội vong nhân là ngày bao nhiêu, tháng cô hồn là tháng mấy và kéo dài trong bao lâu.
Giải nghĩa khái niệm cô hồn, tháng cô hồn, ngày xá tội vong nhân
Quan niệm dân gian từ xa xưa nhiều đời nay cho rằng con người chúng ta gồm có hai phần: Thể xác và linh hồn. Khi trái tim ngừng đập thì phần thể xác sẽ mất sức sống, chỉ có phần hồn sẽ vẫn tồn tại.
Tùy theo việc khi còn sống đã làm mà người quá cố có thể được siêu thoát để đầu thai kiếp khác hoặc bị đày xuống địa ngục, thậm chí là phải chịu cảnh lang thang trên nhân thế quấy rối người khác. Từ “cô hồn” lâu nay vẫn được hiểu là những hồn ma cô đơn, những linh hồn chưa được siêu thoát, vất vưởng trên nhân thế.
Theo những truyền thuyết dân gian và tín ngưỡng tâm linh từ lâu của người Việt, tháng 7 âm lịch là thời điểm mà Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ môn quan. Cánh cửa này được mở từ ngày 2/7 âm, trong thời gian đó quỷ đói được trở lại cõi trần. Trong suốt tháng này những vong hồn từ dưới địa ngục sẽ vảng vất, xuất hiện ngay tại dương gian.
Chính bởi vậy mà tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là tháng cô hồn và bị coi là tháng của ma quỷ. Đặc biệt, ngày rằm tháng 7 âm lịch (15/7) là ngày xá tội vong nhân, bị coi là ngày âm khí xung thiên, quỷ đói sẽ xuất hiện nhiều.
Tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là tháng cô hồn và bị coi là tháng của ma quỷ (Ảnh: Vietnamnet)
Truyền thuyết về tháng cô hồn
Theo Phật giáo thì tháng cô hồn này bắt nguồn từ một câu chuyện giữa đại đệ tử của Đức Phật là Tôn giả A Nan Ðà, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Có một buổi tối, Đức A Nan Đà đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa như nó. Quỷ đói nói: “Nếu muốn tránh thì ngày mai ông phải thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên và ông cũng được tăng thọ”.
Nghe vậy Tôn giả A Nan Đà đem chuyện bạch với Ðức Phật và được Đức Phật truyền cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn.
Theo tục lệ dân gian cúng cô hồn là một nghi thức nhân văn, thể hiện ở chỗ bên cạnh việc thắp hương thờ cúng tổ tiên, rất nhiều gia đình còn cầu nguyện cho những linh hồn sa cơ, những vong linh ẩn dật cô độc, không nơi nương tựa tìm được chốn đầu thai, thoát khỏi cảnh không chốn dung thân ở nhân gian.
Tại Việt Nam, lễ cúng rằm tháng 7 thường được làm vào ban ngày (Ảnh: Vietnamnet)
Tháng cô hồn kéo dài trong bao lâu
Ngày xá tội vong nhân hàng năm trùng với lễ Vu Lan, ngày lễ báo hiếu cha mẹ của Phật giáo. Tháng cô hồn, lễ Vu lan không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia Á Đông khác. Tại Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7/7 Âm lịch và ngày rằm tháng bảy. Còn ở Đài Loan ngày lễ này được kéo dài cả tháng nhưng chủ yếu tập trung vào ngày rằm với các phần như mời các vong hồn, cúng tế vào ngày 15 và đưa tiễn họ vào ngày 29.
Tại Việt Nam, lễ cúng rằm tháng 7 thường được làm vào ban ngày, thời gian cúng tốt nhất là vào buổi chiều hoặc tùy theo quan niệm và thói quan từng vùng miền nhưng đa phần đều tránh làm vào ban đêm, khi mặt trời đã lặn. Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: Một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè, ban công…
Mâm cúng chúng sinh ngoài trời mỗi gia đình có thể sắp theo điều kiện kinh tế và thói quen vùng miền (Ảnh: Vietnammoi)
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình có thể bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép…
Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối cùng ngô, khoai lang luộc, cháo hoa… và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.
Theo: vietnammoi