Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện từ rất sớm, nó đã tồn tại cùng chiều dài lịch sử của dân tộc. Vì vậy, thật dễ hiểu khi nó có vai trò rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, chính trị – xã hội.
Thờ Mẫu đã phản ánh được trong lịch sử văn hóa của tổ tiên ta là những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và vai trò quan trọng của người phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong gia đình, xã hội và trong đời sống cộng đồng. Có thể nói: “Người tiểu nông Bắc Bộ đã sử dụng tôn giáo tín ngưỡng truyền thống như chỗ dựa tinh thần không thể thiếu qua nhiều thế kỷ ”.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò quan trọng trong việc dung nạp các tín ngưỡng, tôn giáo khác ở Việt Nam. Góp phần trong truyền thống hòa đồng các tôn giáo, tín ngưỡng: Thánh, Thần, Phật,…đều phù hộ độ trì cho con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu với tư cách là một tín ngưỡng bản địa, còn có sự ảnh hưởng ngược lại đối với tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Công giáo,…
Tín ngưỡng thờ Mẫu còn có vai trò là liên kết tinh thần giữa những người có cùng một niềm tin vào các “Mẫu”. Người ta có thể liên kết với nhau đôi lúc rất chặt chẽ trên nhiều phương diện ngay cả khi họ không cùng ý thức chính trị. Bởi vì, bản thân tín ngưỡng này đã có sức mạnh cố kết tinh thần mạnh mẽ. Sự cố kết ấy được nâng lên nhờ sự “linh thiêng” của các “Mẫu” và các thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Nếu tổ chức tốt các sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở các vùng, các địa phương sẽ làm tăng cường tình đoàn kết, cảm thông lẫn nhau một cách sâu sắc hơn giữa các thành phần và các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Những giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được xem là có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng. Nếu gạt bỏ những tiêu cực thì tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp phần đáng kể cho bản sắc văn hóa Việt Nam: Từ truyền thuyết, văn chầu, trang phục trong điện thần… đều là nét độc đáo về văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, bên cạnh hát chầu văn theo nhạc điệu còn có múa đồng. Đó là những di sản văn hóa dân tộc rất quý giá cần được đánh giá đúng mực, cần bảo tồn và phát triển.