Người dân xứ Nghệ xưa nay vẫn lưu truyền bài hò thân thuộc:
“Ơ … ơ… hò chứ nói rằng trong đất Nghệ An có anh hùng hào kiệt, tiếng ông Mười lẫm liệt ngàn xưa, cũng có khi vung gươm lên ngựa đề cờ, ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam.
Ơ… hò… ơ…. cũng có khi ông Mười hội nghị luận bàn việc nước. Ông cũng đem tài thao lược để hiến dâng, lĩnh sắc rồng ông Mười hiến tướng, điều quân, gươm thiêng, ba thước ngựa hồng ông Mười xông pha.
Ơ… ơ…ơ chứ cũng có phen ông Mười lên rừng, xuống biển, khi chở ra về phủ tía lầu son, cũng có khi ông Mười ngồi ngắm bóng trăng tròn, khi xem hoa nở khi ông Mười ngồi chờ trăng lên.
Ơ… ơ…ơ ông Mười nói rằng các ghế thanh đồng đã đi ngược về xuôi, có biết đền ông Hoàng Mười lập ở nơi đâu, đền thờ ngài lập ở kinh đô, gần cầu Bến Thủy bên bờ sông Lam…”
Khi đánh cá trên sông hay cày cấy ngoài đồng, trong lúc lao động mệt nhọc hay những phút nghỉ ngơi giữa đồng, những câu hò về ông Hoàng Mười như tạo thêm cho họ sức mạnh giúp để lại sau lưng những vất vả cực nhọc.
Trong tâm thức người dân nơi đây ông Hoàng Mười luôn là một vị thần có công trong “hội nghị luận bàn việc nước”, song ông cũng có cuộc sống như những con người bình thường“cũng có khi ông Mười ngồi ngắm bóng trăng tròn, khi xem hoa nở khi ông Mười ngồi chờ trăng lên”. Đến khi ông mất đi, ông trở thành ông thánh sống mãi trong lòng người dân, được người dân lập đền thờ. Họ luôn nhắc nhở nhau, đi đâu, làm gì thì cứ đến ngày 14/3 âm lịch hàng năm tại đền thờ thánh ông Hoàng Mười (xã Hưng Nguyên) lại diễn ra lễ hội khai điểm và vào ngày 10/10 âm lịch diễn ra lễ hội giỗ ông Hoàng Mười.
Trong nghi lễ dâng lễ vật lên thánh ông, ngoài những lễ vật là sản vật của địa phương, người ta còn dâng lên ông cờ quạt, bút sách… với mong muốn cầu cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài, làm rạng danh tổ tông.
Khi xã hội phát triển toàn diện thì đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của người dân Nghệ An cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Trong đó, tín ngưỡng thờ cúng thánh ông Hoàng Mười cũng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ.
Phần lễ và phần hội vẫn được người dân Nghệ An lưu giữ và duy trì cho đến tận hôm nay. Cụ thể:
PHẦN LỄ
- Sáng ngày 14/3 âm lịch: Lễ yết cáo
- Tối ngày 14/3 âm lịch: Lễ đại tế
- Sáng ngày 15/3 âm lịch: Lễ dâng hương
- Tối ngày 15/3 âm lịch: Lễ yết cáo
- Tối ngày 09/10 âm lịch: Lễ đại tế
- Sáng ngày 10/10/âm lịch: Lễ tưởng niệm, dâng hương
- Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ.
PHẦN HỘI
- Chiều ngày 14 tháng ba và chiều ngày 09 tháng mười âm lịch: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền.
- Chiều ngày 15 tháng ba và chiều ngày 10 tháng 10 âm lịch: Hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người.
- Sáng ngày 16 tháng ba và chiều ngày 11 tháng mười âm lịch: Rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.
Sự gìn giữ cẩn trọng những nghi lế này đã khẳng định tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười là một nhu cầu thuộc đời sống tâm linh không thể thiếu của người dân Nghệ An. Đó là nơi họ gửi gắm niềm tin, hi vọng, là chỗ dựa tâm linh trong cuộc sống.