Chúng ta đã biết, giữa văn hóa với kinh tế- xã hội có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tín ngưỡng chính là một trong những yếu tố cấu thành nên văn hóa. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước bước vào quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa sâu rộng, mỗi người có cơ hội tăng cường kết nối, giao lưu với cộng đồng… Nhưng xuất hiện cùng lúc này là hàng loạt vấn đề được đặt ra đối với tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng Thờ Mẫu nói riêng.
Xu hướng “thương mại hóa” đã ảnh hưởng đến lễ hội dân gian của loại hình thờ Mẫu. Một số người dân đến với Mẫu không còn xuất phát từ nhu cầu tâm linh mà bởi nhu cầu kinh tế. Người đến nơi đây với lòng tưởng nhớ, ghi ơn, tìm thì ít mà họ đến vì mong muốn cầu tự, xin lộc thì nhiều. Khi cái tâm thực dụng lớn hơn sự trân trọng giá trị truyền thống thì họ sẵn sàng đối xử sỗ sàng thậm chí là thủ đoạn giữa chốn linh thiêng. Đã có biết bao vụ chen lấn, giằng co, những mánh lừa đảo được báo chí đề cập.
Thực tế, trong thời đại ngày nay khi mà xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang phát triển ở nước ta, hiện đang có nguy cơ lãng quên hoặc không quan tâm đến những giá trị của tín ngưỡng truyền thống, những sự kiện lịch sử của dân tộc mà ông cha đã để lại. Do đó, đây là lúc cần phát huy vai trò, ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng vào phần “lễ” và “hội” để thu hút đông đảo người dân cùng tham gia. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ con cháu và mọi người dân.
Bên cạnh đó, cần cẩn trọng và hạn chế những tác động và sự du nhập của văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ngoại lai có tác động xấu cho sự phát triển văn hóa của dân tộc ta.
Đây thực sự là những vấn đề không hề đơn giản được đặt ra cho mỗi người, cho các ban ngành chức năng và các cấp chính quyền để hướng tới mục tiêu lưu giữ, bảo tồn và phát huy tín ngưỡng Thờ Mẫu của gia đình.