LỄ KHỞI CÔNG LÀ GÌ?
Lễ khởi công là một buổi lễ rất quan trọng trước khi bắt đầu thực hiện một dự án nhằm mục đích cầu mong sự tốt lành, thuận lợi trong quá trình thi công. Không chỉ vậy, đây còn là nghi thức để công bố mục tiêu, định hướng của nhà thầu tới khách hàng, đối tác.
Lễ khởi công bao gồm nhiều bước và nhiều hoạt động, nếu xảy ra sơ suất ở bất kì khâu nào đó sẽ là một điểm trừ trong mắt ban lãnh đạo, nhà đầu tư và toàn thể khách mời, hơn thế nữa việc tổ chức lễ khởi công không hoàn hảo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến dự án sau này. Trong đó hoạt động tổ chức nghi thức Lễ khởi công là đặc biệt quan trọng.
Thường các công ty tổ chức sự kiện, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ chọn 2 cách để thực hiện nghi thức lễ khởi công là truyền thống và hiện đại.
– Nghi thức lễ khởi công theo truyền thống
Lễ khởi công hay còn gọi là lễ động thổ, theo quan niệm của ông bà ta đã là động thổ là phải động chạm đến đất cát, là hành động xúc đất, xúc cát của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp và khách mời biểu trưng cho việc bắt đầu công việc thi công, xây dựng tại địa điểm đó.
Đây là cách thường dùng bởi tính chất đúng với quan niệm của dân gian và dễ thực hiện.
Hộc cát sẽ được trang trí thật đẹp, quây bằng vải đỏ hoặc dùng các chất liệu khác như hiflex, decal cán fomex dán lên hộc cát ( thường sẽ in nội dung buổi lễ ), xẻng xúc sẽ được quấn vải, có bông trên tay cầm. Ngoài ra sẽ có bao tay và mũ bảo hộ lao động cho người thực hiện nghi thức lễ khởi công.
– Nghi thức lễ khởi công theo phong cách hiện đại.
Để giảm thời gian cho công tác chuẩn bị, hiện nay một số đơn vị sử dụng các booth gỗ có gắn chuông để làm nghi thức lễ khởi công.
Hình thức thực hiện khá dễ dàng và có khá nhiều đơn vị cho thuê. Thường các công ty, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng năng lượng sẽ ưu tiên sử dụng loại này.
Số lượng người tham gia nghi thức cũng là một vấn đề đáng quan tâm, thường sẽ chọn số lượng người là 6, 8 hoặc 10. Số 6,8 theo quan niệm là lộc và phát, 10 là biểu trưng mười phân vẹn mười, những con số này là mong muốn của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp cho công trình và dự án sắp thi công.
Trước khi khởi công, động thổ 1 công trình gia chủ cần làm lễ cúng khởi công nhằm cầu mong mọi sự thuận lợi.
I. Chọn ngày tốt cúng khởi công
Lựa chọn năm tháng ngày giờ tốt để thực hiện nghi lễ cúng khởi công công trình đảm bảo tiêu chí Vượng sơn phù long tương chủ. Nếu gia chủ không phù hợp tuổi động thổ thì có thể chọn người khác có tuổi phù hợp với trạch chủ để động thổ – Lưu ý trạch chủ vẫn phải chủ lễ.
Trước ngày động thổ gia chủ ra Đình làng hoặc Đền, miếu, phủ chùa làm lễ xin phép hôm sau được động thổ vào ngày giờ, địa chỉ để công việc hanh thông.
II. Cách sắm lễ cúng khởi công
Mâm lễ cần chuẩn bị cho lễ cúng khởi công công trình tùy theo từng gia chủ mà có sự thay đổi, nhưng chủ yếu bao gồm các lễ vật sau.
Lễ vật:
- Một con gà luộc (Nên chọn gà trống, chân và mỏ đều vàng, mình vàng).
- Một miếng thịt rán (thịt lợn).
- 01 xôi, 2 bát chè ngọt
- 1 chén gạo, 1 chén muối 1 chén nước, 1 chén rượu trắng, 1 chén đựng trà khô.
- Bánh bao 5 chiếc
- Một đĩa ngũ quả.
- Một bình hoa (nên chọn hoa cúc vàng hoặc hoa ngũ sắc).
- Một đĩa bánh kẹo, trầu cau.
- Một bó nhang.
- Hai cây đèn cầy.
Vàng Mã:
- 1000 vàng hoa đỏ, 1000 vàng ngũ phương, Quần áo mũ thần linh đỏ, 2 ngựa đỏ
- 5 Đinh tiền lễ, 1 đinh tiền tào quan, 01 bộ quần áo ông bà tiền chủ.
III. Tiến hành các nghi lễ cúng khởi công công trình
Vào ngày ngày giờ tốt đã chọn, gia chủ bài biện bố trí tất cả lễ vật lên một cái mâm nhỏ trên một cái bàn đặt giữa công trình. Nếu khởi công động thổ đào móng nhà, xưởng sau khi dọn mặt bằng, đặt mâm lễ lên một cái bàn con (hay ghế cao) ở giữa khu đất sẽ được đào móng. Đốt hai cây đèn cầy lên và thắp 05 cây nhang.
Gia chủ quần áo chỉnh tề, thắp đèn nhang vái bốn phương, tám hướng rồi quay vào mâm lễ mà khấn. Nếu chủ thầu xây dựng có đến dự thì mời bàn lễ vái và cầu xin để thợ thuyền được bình an công việc hanh thông. Sau khi cúng xong, gia chủ động thổ tại các vị trí đã định trước đào sâu khoảng 30cm mỗi vị trí. Sau đó chờ hết hương hóa vàng mã vào giữa đất heo thứ tự: Rượu, Trà, Nước, Gạo, Muối rắc xung quan đất. Sau đó có thể cho thợ làm bình thường.
Lưu ý: Không được đổ rượu hay nước vào vàng mã.
IV. Bài văn khấn cúng khởi công công trình
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương phật, chư phật mười phương, mười phương chư phật
Con kính lạy Ngài đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần
Con kính lạy Ngài Thành hoàng bản thổ chư vị đại vương
Con kính lạy nhị thập tứ khí thần quan, 24 long mạch thần quan, 24 địa mạch quan cùng nhị thập bát tinh tú thần quang.
Con kính lạy Thanh long Bạch hổ, Thổ trạch, thổ Khảm, thổ Bá, Thổ Hầu, thổ Tử, thổ Tôn Thân quan
Con kính lạy Ngài Thành Hoàng bản xứ sở tại.
Con kính lạy gia Tiên tiền tổ nội ngoại họ ……..gia cùng phần âm khuất mày khuất mặt hiện tiền nơi đây.
Hôm nay, ngày…… Tháng ….. năm….. (Âm lịch)
Tại địa chỉ : ………………………………
Tín chủ con là ………………sinh năm
cùng vợ………. năm sinh
………gia đình (liệt kê tên)… năm sinh
Toàn gia đình chúng con nhất tâm, chọn được ngày lành tháng tốt làm lễ khởi công động thổ.
Kính cẩn sắm biện “hương hoa đăng trà quả thực” lòng thành tấu lên các chư vị Tiên gia, tôn thần cùng gia tiên họ…….
( Do năm nay tuổi con động thổ không vượng nên có nhờ người sinh ngày ….tháng…. năm ……họ tên …………..cư ngụ tại ……………………..tiến hành động thổ )
Chúng con cầu xin các Bậc Tiên gia, chư vị tôn thần cùng gia tiên Họ: ……. Phù hộ độ chì cho công việc khởi công động thổ, xây dựng căn nhà mới tại địa chỉ đất này được Bình an, thịnh vượng, công việc hanh thông, tài lộc vượng tiến, Cho chủ -Thợ hòa hợp công việc bình an, trạch đất vượng khí, ngày tháng hưởng phần lợi lạc, Âm phù Dương trợ, tâm cầu sở đắc…..
Chúng con nguyện Năng tu phước thiện, tránh dữ làm lành, giúp đỡ người hoạn nạn khó khăn.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Toàn thể gia đình chúng con thành kính cảm tạ!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!