“Tứ bất tử” là một huyền thoại về việc nhân dân ta tôn vinh và thờ phụng “bốn vị thánh không bao giờ chết” (Tứ bất tử), gồm: Thánh Tản Viên (Thánh Tản), Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Bà Chúa Liễu). Trong chùm bài viết, Thờ Tứ Bất tử – Tín ngưỡng độc đáo ở Việt Nam (p1), (p2) và (p3), https://vietlacso.com/ đã giới thiệu về truyền thuyết, đền thờ Thánh Tản Viên, Thánh Gióng và Chử Đồng Tử, hôm nay, mời các bạn cùng tìm hiểu về vị Tứ Bất tử cuối cùng: Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – biểu tượng của khát vọng tự giải phóng
- Truyền thuyết
Sự tích kể rằng Bà Chúa Liễu nguyên là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì tinh nghịch làm mẻ một chiếc chén ngọc mà bị đày xuống trần, rồi được Phật Tổ cứu giải và cho đầu thai làm con gái họ Lê ở Phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định. Bà là người công dung ngôn hạnh, được hiển thánh trở thành một vị thần linh thiêng, chuyên phù trợ người lành, đặc biệt là phụ nữ, trẻ thơ, đồng thời thẳng tay trừng trị kẻ ác. Dân nhớ ơn công đức của Bà, lập đền thờ ở nhiều địa phương khác nhau. Bà được tôn thờ là “Thánh Mẫu linh thiêng – Mẹ của muôn dân.” Thờ Bà Chúa Liễu thể hiện niềm tôn kính người Mẹ vĩ đại, quyền năng và đức độ vô lượng.
- Tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Nấp, Nam Định
Tương truyền, sẵn có phép mầu biến hóa, Bà Chúa Liễu Hạnh từng vân du khắp mọi nơi, trêu ghẹo người này, gia ơn cho kẻ khác; Bà đã trừng trị một hoàng tử ve vãn nàng ở quán nước Đèo Ngang, đã tặng nhà vua một đôi giày khi vua ghé qua quê của Bà ở Vụ Bản; Bà cũng đã hai lần hóa phép để đàm đạo văn chương với danh sĩ Phùng Khắc Khoan (tức Trạng Bùng) ở Lạng Sơn, rồi Tây Hồ (Hà Nội)…và con rất nhiều huyền thoại về bà gắn với những danh nhân, địa danh cụ thể của đất nước.
Trong tiềm thức của nhân dân, Bà Chúa Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng của khát vọng tự giải phóng, nhất là phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng của hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam đã được ký thác niềm tin vào biểu tượng người mẹ.
Ở Phủ Giầy, quê hương của Bà, một quần thể kiến trúc được xây dựng để thờ cúng. Từ ngày mùng 1 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội Phủ Giầy nổi tiếng với hàng vạn người tham dự. Ngoài ra, tại Phủ Sòng, Thanh Hóa, có đền Sòng thờ Bà. Lễ chính ở đây được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Tại Hà Nội có Phủ Tây Hồ – nơi được tương truyền diễn ra cuộc gặp gỡ đàm đạo văn chương giữa Bà Chúa Liễu Hạnh với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, cũng thờ phụng Bà.
Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Liễu Hạnh là một trong Tứ bất tử, là vị thánh của tín ngưỡng Tứ phủ, mà bản chất của nó là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có nguồn cội lâu đời và độc đáo của Việt Nam. Trong điện thần tín ngưỡng Tứ phủ, Tứ vị Thánh Mẫu chiếm vị trí cao nhất và linh thiêng nhất; Mẫu Thiên (Tiên Thiên Thánh Mẫu), Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn, trong đó Liễu Hạnh là một nhân thần, đồng nhất với Mẫu Địa, hiển linh thành cô gái sống giữa chốn trần gian, linh thiêng nhất và cũng được người đời ngưỡng mộ, cầu xin và thờ phụng thậm chí hơn cả các Mẫu thiên thần khác.
Những sự tích và huyền thoại về các vị thần linh mà tập trung nhất là bốn vị thần linh bất tử kể trên, đã phần nào thâu tóm lịch sử cụ thể và hiện thực hóa thành một thứ lịch sử mang đầy tính thi hứng và thẩm mỹ. Nó vang lên như một bản trường ca được truyền tụng và vang vọng mãi tới mai sau. Sự tích về bốn vị thánh bất tử không do một ai sáng tác. Bốn vị thánh bất tử, độ trì bốn lĩnh vực cốt yếu trong đời sống người dân Việt đã, đang và mãi mãi được tôn thờ. Đó là một nét độc đáo trong tín ngưỡng của người Việt.