Bên cạnh các loại hình tín ngưỡng như: tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Cá Ông, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên… vốn đã rất phổ biến trong đời sống của người Việt nói chung, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn lại rất quan trọng với cư dân ven biển Nam Trung bộ. Vậy tại sao lại có tín ngưỡng này?
Dân gian cho rằng, âm hồn là những người đã chết nhưng vì nhiều lý do khác nhau không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích, có thể là ngư dân gặp bão bùng, tai nạn trên biển trôi dạt vào đất liền, cũng có thể họ có gia đình, bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh, bất thình lình gặp tai ương bất trắc, bệnh tật bất ngờ, cọp tha, hổ vồ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm hồn cô độc… Tóm lại, âm hồn là những linh hồn cô độc, chết vì nhiều lý do khác nhau chưa được siêu thoát, lang thang vất vưởng, không được thân nhân thờ cúng.
Thêm nữa, theo quan niệm dân gian, âm hồn cũng có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân. Việc cúng bái cũng một phần xuất phát từ tâm lý sợ hãi, mong âm hồn đừng quấy phá công việc làm ăn, buôn bán và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của mình.
Ngoài ra, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn còn là một hình thức cầu an, cầu mùa, cầu mong xứ sở, xóm làng được bình yên.
Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn thể hiện ý nghĩa nhân văn, nhân sinh cao cả. Đó là sự cảm thông sâu sắc giữa người sống với người đã chết, là một hoạt động khích lệ tâm linh, đồng thời góp phần thể hiện niềm khát khao, mong muốn những điều tốt đẹp đến với cuộc sống.