Trong đời người, có những sự kiện trôi mất, có những câu chuyện xảy ra đi qua đời người rồi sẽ về để chìm vào quên lãng nhưng cũng có những câu chuyện mãi mãi in đậm trong lòng. Tôi cũng có một câu chuyện bây giờ mới kể.
Một đứa trẻ học cấp một như tôi mà chiều nào cũng đến một điểm hẹn, đó là chùa Giác Lâm, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Cứ mỗi 6 giờ chiều có chú xe ôm chở tôi từ trường Lê Thị Hồng Gấm đến chùa. Có nhiều người đến chùa thắp nhang lễ Phật; cũng có người đến để tập thể dục, đi bộ quanh sân chùa. Tôi lơ đãng khi thì nhìn trời nhìn đất, khi thì theo dõi khách thập phương đi đi lại lại. Tiếng chuông chùa vẫn ngân nga đâu đây. Tôi chờ mẹ tôi. Tôi luôn luôn đến ngồi vào đúng chiếc ghế đá bên một gốc cây, tôi không biết là cây gì. Đó là chỗ ngồi cố định của tôi, đó là nơi mà mỗi lần mẹ tôi đến chùa, dừng xe, chỉ nhìn một điểm là thấy tôi. Ngồi đợi chừng mười phút thì mẹ tôi đến. Thường thì mẹ hay mang đồ ăn đến cho tôi. Tôi rất thích những món ăn mẹ làm, và tôi ăn một cách ngon lành, cảm thấy thật vô tư sung sướng với những món khoái khẩu của mình. Mẹ tôi ngồi đó nhìn tôi cho đến lúc tôi ăn xong mới dẫn tôi lên chánh điện lạy Phật. Mỗi lần đứng trước tượng Phật, mẹ tôi lẩm nhẩm gì trong miệng rất lâu, hệt như khi tôi lẩm nhẩm đọc lại bài mỗi khi cô giáo chuẩn bị dò bài vậy. Tôi cũng bắt chước mẹ cầm ba cây nhang, mắt lim dim, miệng lẩm nhẩm… đọc lại bài cũ. Đức Phật mỉm cười trên cao. Nụ cười của Ngài hòa lẫn với khói nhang của mẹ con tôi.
Mẹ và tôi chỉ gặp nhau mỗi ngày một hay hai giờ đồng hồ dưới mái chùa này. Mẹ và tôi cùng học bài. Mẹ kiểm tra bài vở của tôi xong rồi lại nhìn tôi bằng ánh mắt thật trìu mến. Những khi không bận, mẹ lại dẫn tôi đi quanh chùa. Ngôi chùa rộng thật rộng, xung quanh nhiều cây cối. thỉnh thoảng tôi hỏi tại sao mẹ không về nhà. Những lúc ấy, mẹ nhìn tôi thật buồn và nói mẹ không thể về được. Mẹ bảo tôi, con phải ngoan mặc dù không có mẹ bên cạnh. Ngồi chơi với tôi một lúc, mẹ lại lên xe phóng đi. Tôi nhìn theo một hồi rồi cũng đi bộ về nhà. Nhà chỉ có bà nội và tôi. Ba tôi thì đi công tác suốt ngày nên tôi cũng ít khi được gặp ba, chỉ có bà nội chăm sóc tôi mọi chuyện.
Tiếng chuông chùa ngân vang trong tâm thức tôi, hình ảnh ngôi chánh điện không mấy ánh sáng, hình dáng mẹ chắp tay đứng trước Đức Phật khẩn cầu, ánh mắt buồn thật buồn của mẹ mỗi khi tôi hỏi sao mẹ không về nha và nụ cười của Đức Phật trên cao nhẹ nhàng đi qua tuổi thơ tôi.
Năm tôi lên cấp hai, tôi nhận thức rõ ngôi chùa là nơi để tôi và mẹ bên nhau. Tôi lờ mờ hiểu được nội dung những lời khấn nguyện của mẹ khi mẹ đứng trước Đức Phật và thôi, không hỏi nữa câu hỏi tại sao mẹ không về nhà. Tôi thương mẹ và cũng thương ba nhưng không biết phải nói sao cho hết lòng mình. Tôi chỉ biết thầm thì với Đức Phật mỗi khi cùng mẹ cầu nguyện. Tôi thường nghĩ, tại sao khi có chuyện buồn người ta đều đi chùa để cầu nguyện cho mình được vơi bớt nỗi buồn hay nhờ ngài hóa giải từ hung chuyển sang kiết; nhưng mỗi khi có chuyện vui thì dường như chẳng thấy ai đến chùa để “mách”với Ngài cảm giác hạnh phúc đó. Và tôi cũng rơi vào số người đó. Khi vui tôi không nhớ đến Ngài mà đi chia sẻ với người thân hay bạn bè, nhưng khi buồn tôi đến xin Ngài giải quyết cho chóng qua, chuyện buồn phiền này. Tôi đem suy nghĩ này kể cho mẹ nghe, mẹ mỉm cười bảo tôi đã lớn rồi.
Mỗi khi không bận việc học, tôi qua chùa ngồi một mình, suy nghĩa mông lung, chuyện mình chuyện bố mẹ và chuyện bạn bè. Những vòng lẩn quẩn đi qua đời người thật xô bồ, lãng đãng nhưng cũng thú vị, tôi không định hình được trong giai đoạn này… Ngôi chùa vẫn như ngày nào, vẫn trầm lặng dưới bóng cây, Đức Phật vẫn cười nụ cười của ngày tôi còn học cấp một. Bao lời cầu nguyện hay nói đúng hơn là những yêu cầu của con người gửi đến ngài không biết bao nhiêu mà kể nhưng Ngài vẫn cười với nụ cười đó. Vẫn nghe con người kể lể toàn những chuyện buồn và con người vẫn cầu nguyện xin Ngài cho mình đạt được ước nguyện của mình.
Tạm gác lại những thắc mắc xoay quanh kiếp người, tôi quyết tâm thi vào đại học và đậu vào trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm năm đã trôi qua, tôi vẫn đi về trên con đường có ngôi chùa ngày nào. Tôi không còn chờ mẹ mỗi chiều lúc sáu giờ; chú xe ôm ngày nào tôi không còn gặp nữa. Mẹ đã có thêm em bé và đang bận rộn với công tác từ thiện xã hội của chùa. Tôi vui vì mẹ đã thoát ra được nỗi buồn của năm xưa, mẹ đã tìm được niềm vui mới. Mỗi ngày rằm tôi đều đến chùa, vẫn chắp tay cầu nguyện, nhưng tôi không cầu những điều mình ước muốn mà chỉ nhìn Ngài rồi thầm thì kể cho Ngài nghe những gì xảy ra trong cuộc sống của tôi cũng như của những người thân xung quanh toi. Tôi cũng xin Ngài ấn chứng cho những nhận định của tôi về những quan điểm sống của cuộc đời.
Câu chuyện của tôi chỉ xoay quanh ngôi chùa, nơi mà trong nhiều năm liền, mẹ con tôi vẫn gặp nhau vẫn cùng nhau học bài, cùng nhau chia sẻ nỗi buồn cho nhau rồi cùng nhau cầu xin Đức Phật ban cho chúng tôi những hạnh phúc trong cuộc sống. và tôi cảm nhận rằng nụ cười của Ngài suốt bao năm qua đã cho tôi nhận biết, rằng hạnh phúc hay đau khổ đều do chính con người tạo ra từ cách nhìn nhận và hành động của con người. Có phải chăng câu nói hãy là hải đảo tự thân mà hơn hai ngàn năm trước Đức Phật đã nói, đến nay con người vẫn loay hoay chưa nhận thức trọn vẹn?
Theo: tapchivanhoaphatgiao.com