Không biết tự bao giờ, tâm linh – tín ngưỡng đã là điều đóng vai trò quan trọng đối với đời sống người dân Việt. Trong đó, Thờ Mẫu là 1 tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt, mang đậm chất bản địa, nguyên thuỷ và phát triển xuyên suốt cùng chiều dài lịch sử của dân tộc. Nó có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình.
Thờ Mẫu là tập tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ đại diện cho thiên nhiên như mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Lúa… bởi trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn phải dựa vào thiên nhiên nên họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đấng tối cao là Mẫu và thờ Mẫu, với mong muốn Mẫu sẽ bảo trợ và che chở cho cuộc sống của họ. Do đó, tín ngưỡng thờ Mẫu lúc này là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần được cho là có khả năng siêu phàm, có thể điều khiển được các hiện tượng tự nhiên mang tính quy luật nhằm che chở cho sự sống của con người.
Theo thời gian, khái niệm Mẫu được mở rộng để bao hàm các nữ anh hùng, các vị công chúa, hoàng hậu, hay bà tổ cô của dòng họ, bà tổ nghề của một làng nghề…; còn trong dân gian, là những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ, khi sống tài giỏi, có công với nước, với dân, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Những nhân vật này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của thánh Mẫu. Họ là những vị thần vừa có quyền năng màu nhiệm vừa là người mẹ bao dung che chở, vừa huyền bí lại vừa gần gũi.
Các vị nữ thần được tôn vinh với các chức vị thánh Mẫu phải kể đến như như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu… hoặc Quốc Mẫu như Quốc Mẫu Âu Cơ, người mẹ của Thánh Gióng được tôn vinh là Vương Mẫu…