Hàng năm vào dịp xuân về, từ chiều 30 tết nguyên Ðán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch – nhất là ngày rằm tháng Giêng, du khách thập phương, trong và ngoài nước lại nô nức đổ về hành hương, lễ bái và tham quan du lịch lễ hội núi Bà Đen.
Về nguồn gốc của tên gọi Núi Bà Ðen, theo truyền thuyết, có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã một đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Vào ngày hội, du khách sẽ đi bộ và leo núi. Ðến lưng chừng núi khách vào lễ đền Linh Sơn Thánh Mẫu rồi nghỉ ngơi. Ai khoẻ chân lại tiếp tục đường mòn leo núi để lên lễ chùa.
Nơi đây, nhà chùa sẽ có cơm chay đãi khách. Khách cứ việc dùng rồi cúng tiền vào chùa, có hoặc không, nhiều hoặc ít, tuỳ tâm. Thậm chí nếu khách muốn lưu lại chùa một, hai ngày cũng vẫn được nhà chùa thết đãi nồng hậu – vì rằng ở chốn tu hành, đồng tiền không có nghĩa và người mộ đạo ai cũng như ai.
Lên cao chút nữa, gần đỉnh núi là Miếu Sơn Thần. Dừng tại đây, du khách có cảm giác những đám mây như đang bay, đang trôi dưới chân mình, và từ đấy có thể ngắm toàn ảnh hồ nước Dầu Tiếng – Một công trình thuỷ lợi đẹp và nổi tiếng ở nước ta hiện nay.
Những năm gần đây mỗi mùa Xuân tới, dân chúng tới tới lễ Ðiện Bà đông như nước chảy. Mọi người tin rằng lễ Ðiện Bà rất linh thiêng. Đồng thời đây cũng là dịp để họ khám phá, du lịch ngắm phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.