Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn…
Từ đó điệu hát Xoan được truyền rộng rãi trong dân chúng, nhất là với nam nữ thanh niên trong vùng và được tổ chức thành phường hát. Hàng năm vào mùa xuân, các phường xoan Phù Đức, Kim Đôi, An Thái, Thét thuộc Phù Ninh thường tổ chức hát ở cửa đình những ngày hội đám. Hết hội đám họ lại chia nhau đi hát ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Để chuẩn bị vào hội, từ đầu tháng chạp dân làng đã cử đại diện họp bàn các công việc như phong quang đường làng lối xóm, chọn trưởng tế và các quan viên, tập múa lân, cắt cử người làm lễ vật dâng thần, chuẩn bị các chân cờ, chân kiệu,… Phường Xoan cũng luyện tập đêm ngày sao cho trong ngày hội không xảy ra điều gì khiến thần linh trách quở.
Sáng mùng 1 tháng giêng, cụ từ ra đình mở cửa, ông chủ tế vào làm lễ động thổ mời Vua về hưởng tế và nghe hát Xoan. Sau đó, dân làng rước kiệu đón Vua về. Đoàn rước trống dong cờ mở. Đi đầu có sư tử dẹp đường. Theo sau là cờ, trống, chiêng, phường bát âm, kiệu, đội tế, các quan viên và dân làng. Trở về đình, sau tế lễ là đến phần hát thờ (hát Xoan).
Mở đầu, ông trùm phường Xoan cùng chủ tế đứng trước hương án khấn lễ thánh. Sau đó hát bài Nhập tịch mời thần linh về hưởng lễ và nghe hát thờ. Bốn đào xoan tay cầm quạt đứng múa phía sau.
Sau bài Nhập tịch này, cuộc hát chính thức bắt đầu. Một chiếc chiếu được trải ngay ngắn ra giữa sân đình tượng trưng cho một sân khấu nhỏ. Trước hết là phần lễ nghi tôn giáo với 4 giọng lề lối mở đầu mang nội dung ca ngợi thần thánh bày tỏ cảm xúc của dân làng trước thần linh, gồm: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang và đóng đám (Mang ý nghĩa nổi trống, đốt pháo, dâng hương và vào đám).
Tiếp theo là phần trình diễn 13 quả cách theo thứ tự: Kiều dương cách, Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách, Tứ mùa cách, Ngư tiều canh mục cách, Đối rẫy cách, Hò chèo cách, Hồi liên cách và Tứ dân cách. Đây có lẽ là phần hát thu hút được sự chú ý của người xem nhất vì nội dung của các quả cách rất phong phú. Có thể là mô tả đời sống và sinh hoạt của tầng lớp người đương thời ở nông thôn, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên 4 mùa hoặc kể truyện cổ tích xa xưa.
Sau đó, phường Xoan vào hát các giọng lề lối sau hát thờ, gồm có: Bỏ bộ, Bợm gái, Đúm, Xin huê – Đố chữ và Cài huê – Mó cá. Hát Đúm là phần sôi động và lôi cuốn nhất trong cuộc hát Xoan, vì đây là tiết mục giao lưu hát đối đáp giữa trai làng và các đào trong phường xoan của làng. Quả đúm là chiếc khăn tay bọc miếng trầu và đôi ba đồng tiền. Mỗi quả đúm là một cặp hát, khi hát, trai gái vừa hát vừa ném cho nhau. Quả đúm ném đến đâu, người nhận đúm sẽ thay trầu và bỏ tiền mừng dành cho đào và trao cho trai làng được cử ra hát Đúm tiếp theo. Mỗi khi cô đào ném đúm lại tạo nên không khí sôi nổi và hồi hộp xem ai sẽ là người được nhận quả đúm.
Sau các quả đúm là hát Xin huê – Đố chữ. Tiết mục này hát đối đáp nam – nữ giữa đào và trai địa phương, không có múa và không hát chúc tụng.
Những lời hát ngân lên nghe quen thuộc mà vẫn cuốn hút lạ kỳ. Quanh sân đình, mọi người vừa chăm chú lắng nghe lại vừa lẩm nhẩm hát theo. Cứ như vậy, họ hát đố rồi lại hát giải hết huê rượu, huê lau, huê sim, huê gạo,…rồi lại đến đố – giải chữ thê, chữ vũ, chữ nộ,…
Cài huê – Mó cá là tiết mục hát cuối cùng của nghi thức hát xoan dâng Vua. Đây là hình thức hát múa lễ nghi với ý nghĩa dâng hoa, dâng cá lên thành hoàng cầu phúc lộc. Có thể nói, cài huê là điệu múa sinh động vì có tính đồng diễn nam nữ và những động tác múa đan xen mang tính nghệ thuật cao. Vì thế, nghi thức hát xoan năm nào cũng vậy, hát ở đình nào cũng thế, vậy mà vẫn cuốn hút đến bất ngờ.
Sau Cài huê chuyển sang Mó cá, các cô đào đan tay vây lấy trai An Thái. Kết thúc điệu hát, múa Mó cá tựa như một trò chơi. Nam làm điệu bộ xông ra, hai tay dang đưa ra làm lưới tìm bắt đào là cá. Đào né tránh nhưng vẫn phải giữ đội hình, sau đó, nam bắt 1 hoặc 2 đào dắt tay đưa vào hậu cung.
Hát xoan là di sản văn hoá vô giá của người dân vùng đất Tổ – tỉnh Phú Thọ. Nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này, các phường xoan ở đây đã không ngừng đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ để trong những ngày hội làng hay ngày lễ Tết của dân tộc, những làn điệu hát xoan mượt mà, thắm đượm tình quê lại được ngân nga, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam.