Đền Voi Phục là một ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long (nay là Hà Nội ) , trấn giữ phía tây thành. Ngoài cửa đền có đắp hai con voi quỳ phục dưới đất, nên gọi đền là Voi Phục.
Đền được xây dựng vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông, ở góc phía tây nam thành Thăng Long cũ, thuộc địa phận làng Thủ Lệ nay là công viên Thủ Lệ.
Trải qua những biến thiên của lịch sử và nhiều lần trùng tu nay đền không còn hình dáng cũ. Năm 1947, giặc Pháp mở rộng chiến tranh, đánh lên Sơn Tây, đã đốt trụi đền Voi Phục. Đến năm 1953, dân vùng này đã quyên góp tiền và xây dựng lại, song không được như cũ. Từ năm 1954 đến nay cũng đã có nhiều đợt tu sửa nhỏ.
Đầu năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp đúc lại quả chuông chiều cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, mỗi múi có 2 hàng chữ Hán đúc nổi “Tây trấn thượng đẳng”. Đường vào đền có nhiều cây cổ thụ xanh mát quanh năm.
Đền được xây cạnh hồ Thủ Lệ, có khuôn viên rộng rãi, cây cối xanh um tùm nên được coi là một cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội. Trong đền có 2 pho tượng đồng, hòn đá to có vết lõm, Cửa đền có đắp hai con voi quỳ dưới đất vì vậy quen gọi là đền Voi Phục. Đường vào đền có những cây muỗm, cây si lâu đời, sau đến có những bụi nứa, di tích một vùng rừng cổ.
Với vị trí đẹp cùng giá trị lịch sử và sự linh thiêng được ghi chép và truyền tụng qua nhiều đời, ngày nay, Đền là địa chỉ văn hóa tâm linh quen thuộc với người dân.