Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ ở Nam Bộ có tuổi đời trên 300 năm gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của địa phương, là một chứng tích đánh dấu sự hiện diện khá sớm của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại chùa Bửu Lâm (còn được gọi là chùa Tổ), tọa lạc tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá, đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng chùa vẫn còn giữ được nét trang nghiêm cổ kính với thiết kế dạng chữ tam, gồm ba dãy nhà ngang nối tiếp nhau như các chùa cổ khác ở Nam Bộ. Chùa còn lưu giữ được nhiều câu đối khoán thủ mang tên chùa, nội dung ca ngợi Phật pháp cao siêu.
Trước năm1966, chùa có tất cả 7 nóc, xây cất bằng vật liệu nặng gồm: Chánh điện, nhà giảng, nhà tổ, Đông lang, Tây lang, Nhà dưỡng tăng Nhà trù.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Bửu Lâm trở thành trạm liên lạc, đi lại, tập kết lương thực của nghĩa quân yêu nước do Võ Duy Dương (Thiên Hộ Vương) lãnh đạo.
Từ giữa năm 1948 đến năm 1952, chùa là nơi diễn ra các cuộc hội họp của nhân sĩ, trí thức yêu nước do Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt tổ chức.
Có thể thấy, với tuổi đời trên 300 năm, chùa không chỉ là nơi truyền bá Phật pháp ở Nam Bộ mà còn hòa mình vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, góp phần đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.
Đến chùa Bửu Lâm hôm nay, du khách sẽ thấy lòng lâng lâng cảm xúc biết ơn những chiến sĩ đã vì nước vong thân, thấy dâng tràn lòng yêu mến ngôi chùa cổ đã vững vàng trong phong ba của những cuộc chiến tranh trường kì.